Nghĩ tiếp từ chuyện “mở…” ?

  • December 15, 2017

Bài viết “Mở đến đâu, mở thế nào” của tác giả Trường Vũ trên Kiến Trúc & Đời Sống đã gợi lên nhiều vấn đề lý thú và cũng nhạy cảm của giới làm nghề thiết kế. Có khá nhiều ý kiến xoay quanh chuyện “mở” và cũng mở ra những câu chuyện khác.

Và thực tế “mái xanh” sau khi công trình hoàn thành và nhận giải thưởng
1.
Cách đây mấy bữa, báo chí ồn ào đăng chuyện nhà một ca sỹ nổi tiếng ở Hà Nội bị trộm đột nhập vào ban đêm. Tên trộm táo tợn lùng sục khắp nhà và chui cả vào buồng ngủ của chủ nhân thì bị phát hiện. Rất may không có tranh giành, đối kháng gây nguy hiểm; mà tên trộm nhanh chóng lủi mất; và ngay ngày hôm sau công an đã tóm được thủ phạm. Rất nhiều người đã có ý nghĩ rằng, nếu tên trộm mà liều lĩnh, manh động hơn thì thật nguy hiểm cho chủ nhân. Đó là nhận định rất có lý khi hàng ngày đầy trên các báo đăng tải các vụ việc tội phạm tấn công người táo tợn và tàn nhẫn, các án mạng liên tiếp xảy ra. Nói tiếp việc vụ trộm, tất nhiên là có mổ xẻ nguyên nhân. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân chắc chắn để cho tên trộm có thể dễ dàng đột nhập, tung hoành trong nhà và chui tận buồng ngủ, đó là nhà “mở”, “thoáng”. Nếu không, với một ngôi nhà thiết kế bảo vệ cẩn trọng, thì khi cửa đóng then cài, trộm cướp không dễ gì đột nhập cho dù có cả cưa sắt hay búa đục trong tay. Chuyện trộm thì nhiều, nhưng trộm vào nhà người nổi tiếng, lại cũng được coi là giàu vẫn được chú ý nhiều hơn, có sự lan tỏa rộng hơn. Hẳn không ít người nghe câu chuyện này cũng giật mình xem lại ngôi nhà của mình có an toàn, có kín đáo hay không, có thể bị đột nhập hay không; và thậm chí dựng nên cả kịch bản tương tự với mình, thì sẽ phải ứng xử, đối phó thế nào trước một tên trộm, trong phòng ngủ, vào ban đêm? Với những ngôi nhà có kiến trúc “mở”, “thoáng”, hẳn chủ nhân phải lo lắng và đau đầu hơn nữa. Cũng cần nói thêm rằng, những ngôi nhà theo lối kiến trúc “mở”, “thoáng” hiện đại này, chủ nhân thường là người khá giả, giàu có và sẽ là mối quan tâm của những tên đạo chích bất lương.
Vậy nên chuyện “mở” có lẽ cũng cần cân nhắc cho kín kẽ, bởi không hẳn mở là hay, mở là tốt, mở là thời thượng, là văn hóa hay cứu cánh của kiến trúc cần hướng tới.
Mái xanh trong phối cảnh công trình rất đẹp và thuyết phục
2.
Tôi là người làm nghề thiết kế, và cũng rất quan tâm đến thời sự kiến trúc, thích ngắm nghía, thưởng ngoạn các công trình kiến trúc, chụp ảnh, đánh giá, nhận xét bằng coi mắt chuyên môn; vừa là làm phong phú thêm thẩm mỹ, cảm xúc; cũng là học hỏi, rút kinh nghiệm cho chính công việc của mình. Tôi cũng hay chụp ảnh công trình cho các bạn đồng nghiệp.
Cách đây vài tháng, tôi có gặp một bạn đồng nghiệp mà tôi đã từng chụp ảnh công trình cho anh. Chẳng hỏi nhưng anh lại kể rằng nhà anh Q. (là công trình tôi đã chụp ảnh) xây lại phòng vệ sinh bằng tường rồi. Chuyện là thế này: Công trình nhà anh Q. có phòng vệ sinh kế bên phòng ngủ chính. Kiến trúc sư chơi kính ngăn, một vách kính lớn trong suốt. Đứng ở phòng ngủ ngó vô phòng vệ sinh thì… cũng thấy đẹp. Vâng, không gian mở, cho nó thoáng tầm mắt, cho nó hiện đại, cho nó… máu. Thế rồi chỉ một thời gian ngắn sau khi công trình hoàn thành, là thời điểm tôi đến chụp ảnh, vách kính đó đã được dán đề can cho mờ đi, kiểu nửa kín nửa hở. Chắn hẳn ý tưởng “mở” đó có vấn đề. Sau đó, một lần khác tôi cũng có dịp tới công trình đó, thì thấy vách kính phòng vệ sinh được dán đề can hoa kín đặc, vách kính không còn là vách kính nữa. Và rồi, giờ thì bỏ kính đi xây tường… Chắn chắn rằng cái vách kính “mở” kia càng dùng càng thấy sự bất tiện của nó. Cực chẳng đã chủ nhân mới phải cải tạo, sửa đổi thiết kế.
“Mở” đang là một thứ mốt, một trào lưu thời thượng trong kiến trúc, là “style” của không ít kiến trúc sư, văn phòng thiết kế. “Mở” là mỹ từ của giới truyền thông kiến trúc. Có nhiều kiểu mở: mở từ chỗ nọ sang chỗ kia, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài…; mở bằng những ô cửa, vách kính lớn, hoặc bằng… không gì cả. Tất nhiên, “mở” có nhiều cái hay, có ưu điểm, nhưng không có nghĩa “mở” là tiên đề tuyệt nhiên đúng, là mục đích tối thượng của tổ chức không gian kiến trúc. Kiến trúc còn cần nhiều hơn thế và còn nhiều khía cạnh khác. Cách đặt vấn đề “mở đến đâu, mở thế nào?” của tác giả Trường Vũ rất đúng và đáng được xem xét, trao đổi nghiêm túc.
Kiến trúc tre rất đẹp, nhưng chỉ là cái xác vô hồn, để ngắm và chụp ảnh?
Mặt nước rất đẹp trong tổng thể kiến trúc, nhưng cũng là nơi nuôi muỗi
3.
Cách đây hơn 2 năm, trong một chuyến đi Sài Gòn, tôi đã lặn lội chạy xe máy sang Bình Dương để mục sở thị hai công trình của kiến trúc sư V. – người đang rất nổi trong giới kiến trúc Việt Nam với vô số giải thưởng trong tay. Hai công trình này cũng được cả giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Công trình thứ nhất là một ngôi trường phổ thông. Công trình này được truyền thông mô tả (qua thuyết minh của tác giả?) là kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường. Điều ấn tượng và đặc biệt nhất của công trình là một mái xanh lớn phủ lên khối kiến trúc chính. Tôi đã đi xem triển lãm giải thưởng kiến trúc quốc gia và thấy ở bản vẽ mặt bằng trong hồ sơ tham dự, phần mái được tô xanh và chú thích: “green roof” (mái xanh). Tôi cũng đã xem một số hình ảnh của ngôi trường đăng tải trên truyền thông nước ngoài với bản vẽ phối cảnh công trình có mái xanh rất ấn tượng. Và quả thực tôi hồi hộp khi đến ngôi trường này để chiêm ngưỡng điều độc đáo đó. Thực tế thì… đó là một mái bê tông xám xịt với lổn nhổn dầm lộn ngược và tua tủa thép của cột chịu lực vẫn chờ lên. Khi tôi hỏi người bảo vệ ngôi trường về cái mái xanh này, thì ông bảo đâu có đâu, chưa từng có!? Xin lưu ý là tôi đến chỉ là thời điểm, cách đây hơn 2 năm. Cũng có thể sau này nó có, nó khác – thì thật mừng. Nhưng ở thời điểm trước đó, nó rình rang trên truyền thông và nhận giải thưởng, thì nó chưa có mái xanh. Có lẽ cả giám khảo ở Tây và ở ta họ chỉ ngắm phối cảnh và tin vào thuyết minh mà thôi.
Công trình thứ hai, đúng hơn là cụm công trình với hai công trình kế gần nhau trong khuôn viên là một quán cà phê và một quán bar. Hai công trình nay rất độc đáo với vật liệu tre chủ đạo và được xây dựng trước – sau không lâu lắm. Cả quán cà phê và bar đều được giải thưởng kiến trúc quốc gia và nhiều giải quốc tế. Phải công nhận khách quan rằng kiến trúc và cấu trúc công trình rất đẹp, độc đáo. Tuy nhiên, khi vào trong quán bar thì tôi thấy… không có ai hết, không có hoạt động gì cả. Hỏi nhân viên thì họ cũng bảo vậy: không hoạt động. Ngó nghiêng thấy tất cả phủ bụi, trống rỗng, mạng nhện giăng. Sân khấu không thấy hệ thống âm thanh, quầy pha chế không thấy bóng dáng một cái ly nào. Tôi loay hoay trong ấy, chỉ có một mình, để ngắm nghía và chụp ảnh mà toát hết mồ hôi; thấy bức bí vô cùng – không như mô tả của truyền thông về vấn đề thông gió hiệu quả vốn là đặc sản, thế mạnh của kiến trúc sư V. Có thể vấn đề bức bí khiến công trình không đáp ứng được hoạt động, cũng có thể còn nhiều lý do khác. Nhưng rõ ràng một công trình kiến trúc được dựng lên, có công năng rõ ràng mà không hoạt động được thì là thất bại. Công trình dựng lên để ngắm và chụp ảnh? Công trình dựng lên để gửi tham gia giải thưởng? Vậy là kiến trúc gì? Ở quán cà phê thì tốt hơn, khá đông khách. Tuy vậy, khi buổi chiều tối tôi quay lại để chụp một vài hình ảnh lên đèn thì phát hiện ra rằng thật khó mà ngồi yên nơi đây vào buổi tối. Đó là… muỗi. Muỗi bay hàng đàn, nhiều tới nỗi dưới mỗi bàn cà phê, nhân viên phải đốt nhang muỗi, vậy mà vẫn không đuổi xuể. Ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng nguyên nhân là do cái mặt nước nằm ở trung tâm quán kia…
Tôi cũng có may mắn tham quan hai công trình tre khác của kiến trúc sư V., một ở Hà Nội (đã bị phá dỡ) và một ở Vĩnh Phúc. Tôi phát hiện ra rằng ở những công trình tre này, có một thứ mùi rất khó chịu. Về sau tìm hiểu, được biết; đó là mùi của hóa chất xử lý mối mọt cho vật liệu tre.
Vẫn biết, không có gì có thể hoàn hảo, và các công trình kiến trúc kia cũng vậy. Nhưng thực sự tôi vẫn thất vọng và từ đó bắt đầu nghi ngờ sự ca tụng của giới truyền thông. Những giải thưởng, vinh quang lấp lánh chưa hẳn là sự bảo đảm cho giá trị công trình. Và những công trình được vinh danh ấy, nó vẫn có vô số những nhược điểm không phô bày trên thuyết minh, bản vẽ hay ảnh chụp đẹp long lanh.
Mở để có những view đẹp cho phòng khách, tới nỗi không có cả chỗ để kệ tivi. Như vậy nếu muốn xem tivi thì phải vào phòng ngủ?
4.
Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông phát triển chóng mặt. Dù muốn hay không chúng ta cũng ít nhiều bị cuốn vào vòng xoáy đó, cả kiến trúc cũng vậy. Thế giới phẳng và công nghệ, sức mạnh truyền thông đã cho cơ hội kiến trúc vươn đến tầm xa hơn, và thực tế là như vậy. Trong những năm gần đây, kiến trúc Việt Nam có nhiều khởi sắc, mới mẻ và đang hội nhập với nhiều thành công. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng sau những ồn ào của truyền thông, của giải thưởng, của hào quang lấp lánh thì dường như kiến trúc của chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề. Lẽ ra, những vấn đề ấy cần tiếp tục được mổ xẻ, trao đổi, thẳng thắn nhìn nhận thì tất cả lại tránh né đi. Nhờ thế giới phẳng, nên nhiều kiến trúc sư bây giờ gửi thẳng công trình ra nước ngoài, không thèm đếm xỉa tới giới làm nghề và phê bình trong nước. Và khi có mặt, có tên ở nước ngoài, thì truyền thông trong nước lại hớt ngược về, giật tít theo kiểu: “Nhà Việt gây sốt trên báo Mỹ”. Mà các ông trên báo Mỹ ấy chỉ nhận công trình qua email và xem ảnh, chứ đâu biết thực công trình thế nào, nhu cầu công năng, yếu tố văn hóa xã hội ra sao? Xem đi xem lại các công trình gây sốt trong thời gian qua ở các tạp chí, báo điện tử, trang mạng xã hội, thấy quanh đi quẩn lại vẫn là một bộ ảnh của phía thiết kế cung cấp ra ngoài, hiếm thấy có những cái nhìn khác, góc nhìn khác. Và thực tế phần lớn các “phóng viên”, “nhà báo” trong giới truyền thông góp phần làm ầm ỹ, ca tụng hết lời với những mỹ từ lấp lánh chưa từng đặt chân, có mặt ở những công trình đó, mà chỉ bình qua ảnh hoặc lấy lại, chế biến từ những thuyết minh hoa mỹ của nhà thiết kế.
Tôi biết có kiến trúc sư H. ở Hà Nội, làm một công trình nhà cộng đồng ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Công trình được đầu tư công phu, đẹp, có ý nghĩa nhân văn và nhận được giải thưởng trong nước và quốc tế. Và đương nhiên cũng ồn ào, tụng ca. Nhưng sau khi những ồn ã qua đi, một nhà báo chuyên viết về kiến trúc đã tới tận nơi và nhận thấy rằng nó nhanh chóng bị quên lãng và đang dần biến mất khỏi đời sống xã hội, không đúng như chức năng phận sự nó phải mang. Vậy đó cũng là thất bại.
Còn chuyện mới hơn, là chuyện của kiến trúc sư N. trong miền Nam, cũng đang rất nổi. Năm ngoái công trình của kiến trúc sư này nhận giải thưởng công trình của năm trong một festival kiến trúc quốc tế. Vẫn là bài “mở”, “tận dụng vật liệu tái chế” cùng với cách đặt tên mỹ miều để đánh bóng công trình và che lấp đi những khiếm khuyết khác. Công trình chẳng phải quán cà phê, không ra câu lạc bộ hay nhà cộng đồng, nhưng được đặt cái tên rất lạ: “Nhà nguyện”? Phải chăng cách đặt tên công trình kiến trúc giờ cũng là mốt để thu hút sự chú ý? Truyền thông trong nước ăn theo sự kiện tung hô hết lời. Năm nay, nghe nói một công trình rất “độc đáo” của anh lại lọt vài chung kết cuộc thi hay festival nào đó, và truyền thông cũng đua nhau ca tụng sự độc đáo này. Công trình có tên là “Chùa đá”. Đó chỉ là một tảng đá đặt lên mấy cái cột thép khẳng khiu trong… công viên. Với tính chất, quy mô công trình, với mối quan hệ như vậy, liệu đây có là ngôi chùa, một kiến trúc tôn giáo? Dường như để nhấn mạnh ý nghĩa và tên gọi công trình, nhà thiết kế bố trí thêm một ông sư, với ngọn đèn, để… chụp ảnh. Rất khó tìm cái gì nực cười và khiên cưỡng hơn. Trao đổi chuyện này với một đồng nghiệp, anh nói rằng: Công trình cũng có cái độc đáo trong cách tổ chức hình khối, sử dụng vật liệu. Nhưng đừng bắt nó là chùa, đừng bắt sư đứng ngồi chụp ảnh. Nó là một cái chòi nghỉ, không hơn không kém. Một cái chòi đầy… bất an vì có mái là tảng đá đè nặng trên đầu.
Trao đổi những điều này, xin nói rằng tôi không phải là người cực đoan, đố kỵ hay “chọc gậy bánh xe”… Tôi không phủ nhận những gì các đồng nghiệp đã và đang làm, với nhiều thành công đáng được ghi nhận. Nhưng có lẽ, chúng ta cần có những khoảng lặng để nhìn lại một cách bình tĩnh và thấu đáo của người làm chuyên môn, chứ không phải chạy theo những giải thưởng hay hào quang hư ảo. Sau hết, thời gian sẽ là trọng tài kiểm chứng rõ ràng và công bằng nhất.
Phòng ngủ có cần mở nhiều tới mức dư sáng thế này? Cửa rộng như vậy lấy đâu chỗ kê đồ?
Phòng vệ sinh mở với vách kính, liệu có phù hợp với tập quán và văn hóa?
Bài và ảnh  Kiến Con
(Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống